Cao su tự nhiên tăng giá - bức tranh 2 nửa sáng - tối


Giá cao su tự nhiên đã tăng mạnh từ đầu năm đến nay, dẫn tới giá nguyên liệu cho các sản phẩm liên quan đến cao su tăng mạnh.


Sau thời gian dài hưởng lợi từ việc giá nguyên liệu đầu vào là cao su thiên nhiên giảm sâu, kể từ nửa cuối năm 2016 đến nay giá cao su thiên nhiên phục hồi khá mạnh đã khiến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp liên quan sử dụng nguyên liệu từ cao su như săm lốp, dây curoa...sụt giảm nghiêm trọng.

Trong khi các doanh nghiệp trồng cao su hân hoan mở tiệc như Cao su Đồng Phú (DPR), Cao su Phước Hòa (PHR), Cao su Tây Ninh (TRC), Cao su Hòa Bình (HRC) và Cao su Thống Nhất (TNC) nhờ kết quả kinh doanh tăng mạnh, thì các doanh nghiệp sản xuất xăm lốp, dây...từ cao su như Casumina (CSM), Cao su Đà Nẵng (DRC), Cao su Sao Vàng (SRC) hay Cao su Bến Thành (BRC)...lại đang đau đầu vì giá nguyên liệu tăng cao, lợi nhuận sảm sút. Bức tranh 2 nửa sáng tối của những doanh nghiệp cùng liên quan đến cao su hình thành.

 



Đối với Casumina (CSM), doanh nghiệp dùng nguyên liệu là cao su để sản xuất sản phẩm (lốp xe), thì ảnh hưởng của giá cao su nguyên liệu tăng đã rất rõ nét. Doanh thu quý 2 tăng 17%, đạt 946 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận lại giảm sâu so với cùng kỳ.

Nguyên nhân lợi nhuận giảm sâu do chính sách đẩy mạnh doanh số, đồng thời giá vật tư tiếp tục tăng mạnh từ đầu năm đến nay đã khiến chi phí giá vốn của công ty tăng mạnh, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Giá cao su tự nhiên, cao su tổng hợp tăng mạnh. Các nhóm vật tư than đen, vải mành, thép tanh, bố thép cũng tăng. Ngoài ra, các loại chi phí khác cũng tăng mạnh theo như chi phí tài chính, chi phí bán hàng…

Những nguyên nhân này đã khiến lợi nhuận quý 2 của Casumina giảm sâu, bằng 1/3 cùng kỳ năm 2016, đạt 18 tỷ đồng.

Cộng thêm quý 1 cũng gặp nhiều khó khăn, nên lũy kế 6 tháng đầu năm 2017 Casumina ghi nhận doanh thu tăng 13,6%, đạt 1.694 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 58,5 tỷ đồng, giảm đến 62% so với nửa đầu năm ngoái và mới hoàn thành 17% chỉ tiêu lợi nhuận được giao. Việc kết quả kinh doanh giảm sút đã được ban lãnh đạo công ty dự kiến trước, khi tại ĐHCĐ thường niên năm 2017 họp tháng 4 vừa qua, ban lãnh đạo công ty đã thừa nhận vị thế dẫn đầu ngành lốp đang bị uy hiếp mạnh do có sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất nước ngoài.

Cao su Đà Nẵng, một thương hiệu khác trong ngành lốp cao su cũng vừa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 giảm sút mạnh về lợi nhuận. Doanh thu chỉ giảm chưa đến 3%, đạt 864 tỷ đồng nhưng LNST còn chưa đến 1/3 cùng kỳ năm ngoái, đạt 35 tỷ đồng trong khi quý 2 năm ngoái lãi sau thuế 110 tỷ đồng.


Doanh thu của Cao su Đà Nẵng không giảm, thậm chí còn tăng khá trong 10 quý gần đây, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế công ty đạt được lại thấp nhất trong 10 quý gần đây.

Tính chung 6 tháng đầu năm Cao su Đà nẵng còn lãi sau thuế 105 tỷ đồng, chưa bằng riêng quý 2 năm ngoái, giảm đến 47% so với cùng kỳ. Nguyên nhân chính do chi phí giá vốn tăng cao, dù công ty đã tiết giảm tối đa chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp.

Sau khi giảm sâu trong năm 2016, giá cao su thiên nhiên trong giai đoạn cuối năm 2016 và 6 tháng đầu năm nay đã có sự hồi phục mạnh mẽ. Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, đơn giá xuất khẩu bình quân khoảng 1.851 USD/tấn, tăng đến 49% so với cùng kỳ năm ngoái.

Diễn biến tích cực của giá cao su thiên nhiên là tin vui đối với các doanh nghiệp trồng và sản xuất cao su. Doanh thu riêng quý 2 và nửa đầu năm của doanh nghiệp cao su thiên nhiên đã tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Trong khi các doanh nghiệp cao su thiên nhiên mở tiệc ăn mừng, thi các doanh nghiệp sử dụng nguyên liệu từ cao su lại đang đau đầu vì giá nguyên liệu tăng cao.

Đi cùng với kết quả kinh doanh giảm sút, giá cổ phiếu các doanh nghiệp này cũng giảm mạnh theo. Điển hình như Cao su Đà Nẵng, hiện giao dịch quanh vùng giá 25.800 đồng/cổ phiếu, mất đi 16% giá trị so với đầu năm. Còn giá cổ phiếu CSM cũng giảm sâu còn 15.800 đồng/cổ phiếu, tương ứng mức giảm 16% so với đầu năm 2017.


Ngược lại với giá cổ phiếu giảm của CSM và DRC, thì giá cổ phiếu BRC của Cao su Bến Thành lại đạt mức tăng đáng kể 25% so với đầu năm dù kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2017 có giảm sút so với cùng kỳ. Cao su Bến Thành là doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm cao su như băng tải, dây curoa, vỏ ruột xe đạp, xe gắn máy…

Xét về doanh thu, cả quý 2 và nửa đầu năm 2017 Cao su Bến Thành đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ. Doanh thu công ty phần lớn đến từ bán các sản phẩm cao su, chiếm đến 94% tổng doanh thu. Tuy nhiên, do giá nguyên liệu tăng, dẫn đến giá vốn tăng mạnh, do vậy dù công ty đã tiết giảm tối đa các loại chi phí nhưng kết quả lợi nhuận vẫn giảm sút mạnh.

Một doanh nghiệp chuyên sản xuất săm lốp cao su khác là Cao Su Sao Vàng cũng trong nghịch cảnh doanh thu giảm nhẹ nhưng giá vốn lại người chiều, tăng nhẹ. Do vậy kéo theo hệ lụy là lợi nhuận giảm sút mạnh. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2017 Cao su Sao Vàng đạt gần 450 tỷ đồng doanh thu và lãi trước thuế 30,7 tỷ đồng, mới thực hiện được 33% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó.