Thêm động lực cho ngành sản xuất Cao su


6 tháng đầu năm 2015, các đơn vị sản xuất cao su tiếp tục gặp thuận lợi do giá cao su thiên nhiên, cao su tổng hợp vẫn duy trì ở mức thấp hơn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, việc xuất khẩu lại giảm so với năm 2014 do bất lợi ở thị trường truyền thống.


Siết chặt hàng nhập khẩu

Theo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế của nhóm ngành cao su quý II/2015 ước đạt 2.161 tỷ đồng, tăng 17,6% so với quý II/2014; lũy kế 6 tháng ước đạt 3.893 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2014. Doanh thu quý II ước đạt 2.511 tỷ đồng, tăng 27,7% so với quý II/2014; lũy kế 6 tháng đạt 4.198 tỷ đồng, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm 2014. Sản lượng sản xuất 6 tháng đầu năm đều tăng…

Tuy thuận lợi là giá cao su nguyên liệu giảm, nhưng các đơn vị sản xuất sản phẩm cao su lại đối mặt với chính áp lực giảm giá, nhất là đối với các sản phẩm săm lốp ở cả thị trường nội địa và thị trường XK. Giá săm lốp ôtô các loại đã giảm từ 5 – 12% so với cùng kỳ năm 2014.

Bên cạnh đó, các DN sản xuất săm lốp trong nước còn phải đối mặt với tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại. Với sản lượng lớn và cùng loại, lốp xe Trung Quốc được nhập về và chỉ khai bằng 30% giá thành. Khi nhà vận tải trong nước mua lốp Trung Quốc để sử dụng, họ chỉ nhận được hóa đơn thanh toán bằng 30% giá trị phải trả tiền mua thực tế. Ví dụ, lốp ôtô toàn thép TBR khai báo 75 USD/cái, trong khi giá xuất xưởng của sản phẩm này vào khoảng 210 USD (1.300 nhân dân tệ), số tiền thuế nộp là 28,12 USD/cái. Làm phép so sánh nhỏ, nếu khai báo đúng giá trị thật thì tiền thuế phải nộp là 78,75USD/cái. Với lượng nhập khoảng 1.5 triệu lốp/năm, số tiền nộp ngân sách thất thoát ước tính khoảng hơn 75 triệu USD.

 



Càng khó cạnh tranh hơn khi các DN sản xuất lốp xe trong nước không có được nhiều ưu đãi như các DN Trung Quốc. Thực tế so sánh, lốp Trung Quốc đã được lợi 15% thuế nhập khẩu (NK) cộng với 10% VAT. Trong khi các DN trong nước phải nộp ngay thuế VAT đầu vào và chịu VAT đầu ra.

Việc khai dưới giá thành của các DN NK Việt Nam đã gây thiệt hại cho chính DN trong nước. Hàng sản xuất trong nước đã đủ yêu cầu về chất lượng, giá cả cạnh tranh, thế nhưng vẫn khó tiêu thụ bởi chính những nhà NK của Việt Nam khai gian giá thành nhằm trốn thuế. Vì vậy, lâu nay các DN sản xuất sản phẩm cao su trong nước vẫn kiến nghị cần siết chặt hơn nữa hàng NK, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại để tạo sân chơi bình đẳng cho cao su sản xuất trong nước.

Xuất khẩu giảm do mất thị trường truyền thống

Tuy thuận lợi nhưng 6 tháng đầu năm, thị trường XK cao su lại sụt giảm cục bộ bởi lý do khách quan. XK sản phẩm cao su quý II/2015 ước đạt 17,7 triệu USD, giảm 3,4% so với quý II/2014, lũy kế 6 tháng ước đạt 31.153, chiếm tỷ trọng 24,4% trong tổng kim ngạch XK của tập đoàn. So với cùng kỳ, giá trị XK giảm 1,9%, trong đó: Công ty CP Cao su Đà Nẵng đạt 10 triệu USD, tăng 15,1%; Công ty CP Cao su Sao Vàng đạt 2 triệu USD, tăng 3,2%; Công ty CP Công nghiệp cao su miền Nam đạt 19 triệu USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm 2014.

Do ảnh hưởng của chiến tranh tại Trung Đông, doanh thu hàng năm của Casumina tại Yemen (khoảng 4 triệu USD/năm) bị mất hoàn toàn. Thị trường XK truyền thống khác của nhóm ngành cao su như Lào, Campuchia, Singapore, Malaysia… được duy trì khá ổn định. Sản lượng XK không tăng so với cùng kỳ năm 2014, giá XK giảm nên kim ngạch giảm theo. Dự báo XK săm lốp ôtô sẽ gặp nhiều khó khăn tại các thị trường truyền thống do tình hình chiến tranh còn diễn biến phức tạp và lâu dài.

Các DN kiến nghị cần siết chặt hơn nữa hàng nhập khẩu, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại để tạo sân chơi bình đẳng cho cao su sản xuất trong nước.