Xuất khẩu cao su của Campuchia tăng gấp đôi trong nửa đầu năm 2017


Theo báo cáo của Bộ Nông – Lâm - Ngư nghiệp Campuchia công bố trong tuần trước, lượng cao su xuất khẩu của quốc gia này tăng gấp đôi trong nửa đầu năm 2017, trong khi đó sản lượng cao su thu hoạch cũng tăng 70%.


Báo cáo chỉ ra sản lượng cao su xuất khẩu trong nửa đầu năm là 65.556 tấn, tăng 197% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi diện tích trồng tăng 11,6% lên 433.827 ha.

Theo đó, tổng thu hoạch tính đến tháng 6 năm nay tăng 70% lên 92.379 tấn, so với mức 54.320 tấn trong cùng kỳ năm ngoái. Bên cạnh đó, giá cao su trung bình của Campuchia ghi nhận ở mức 1.450 USD/tấn, không thay đổi so với cùng thời điểm năm 2016.

Theo ông Pol Sopha, người đứng đầu ngành cao su Campuchia, các đồn điền đã thu hoạch được lượng lớn cao su, cho thấy sự lạc quan về ngành đang tăng lên.

“Nếu giá vẫn ổn định, chúng tôi tin rằng diện tích trồng cao su sẽ tiếp tục tăng, vì cao su vẫn là một cây trồng chiến lược”, ông Sopha nói.

Ông cũng cho biết thêm Việt Nam, Malaysia và Trung Quốc là những thị trường cao su quan trọng của Campuchia.

Tuy nhiên, những vấn đề của nền kinh tế toàn cầu bao gồm giá dầu thô, biến động tỷ giá hối đoái, và giá của các sản phẩm hàng hóa khác trên thị trường có thể kéo giá cao su toàn cầu giảm trong những năm sắp tới.

Bộ trưởng Nông nghiệp Campuchia Veng Sakhon phát biểu trong tuần trước rằng nguồn cung cao su sẽ tăng trong giai đoạn 2018 – 2022 vì nhu cầu đi lên, một nhân tố nữa đẩy giá đi xuống.

 



Mặc dù vậy, theo ông Sakhon, kể từ năm 2023 giá cao su sẽ tăng trở lại nhờ cầu vượt cung.

Đại diện phía doanh nghiệp, ông Lim Heng, Phó chủ tịch của tập đoàn An Mady ủng hộ việc ổn định giá cao su trong năm nay và năm sau, nhưng kêu gọi chính phủ xem xét giảm thuế xuất khẩu cao su để thúc đẩy đầu tư nội địa.

“Giá cao su hiện tại khá tích cực và ổn định nhờ nó gắn với giá dầu. Tuy nhiên, chúng tôi muốn chính phủ xem xét giảm thuế xuất khẩu cao su khi giá thế giới giảm, để giúp đầu tư cho các doanh nghiệp nội địa cạnh tranh với những thị trường khác”, ông Heng cho biết.

Trong khi cố gắng mở rộng thị trường quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới, chính quyền Campuchia cũng đang tiến hành xây dựng các nhà máy trong nước cho các sản phẩm từ cao su để tạo thêm việc làm, ông Sopha nói.